• Môn học gồm 2 phần (phần 1- Khái quát chung về Luật Hiến pháp, phần 2 giới thiệu Một số chế định của ngành Luật Hiến pháp), trang bị kiến thức liên quan đến những nhóm quan hệ pháp luật cơ bản nhất được điều chỉnh bởi Luật hiến pháp. Những nội dung chính: Ngành luật Hiến pháp và khoa học luật hiến pháp; Hiến pháp và lịch sử lập hiến Việt Nam; chế độ chính trị, kinh tế, chế độ bầu cử của nước CHXHCN Việt Nam; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và quốc tịch Việt Nam. Đặc biệt, môn học giới thiệu tổng quan về bộ máy nhà nước và làm rõ địa vị pháp lý của các cơ quan hiến định trong bộ máy nhà nước Việt Nam: Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước, Tòa án, Viện kiểm sát, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Hội đồng Bầu cử quốc gia và Kiểm toán nhà nước.
  • Hôn nhân và gia đình là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học trong đó có luật học. Cùng với nhiều môn học khác, Luật Hôn nhân và gia đình là một trong những môn học truyền thống mang tính bắt buộc trong chương trình đào tạo Cử nhân Luật tại Việt Nam, môn khoa học pháp lý chuyên ngành nghiên cứu các vấn đề lý luận và pháp lý cơ bản về hệ thống pháp luật hôn nhân và gia đình.
    Là một môn khoa học có tính ứng dụng cao và gắn với cuộc sống của mỗi cá nhân trong đời sống xã hội, môn học LHN&GĐ gồm 10 vấn đề với hai phần nội dung chính.
    Phần lý luận giới thiệu các hình thái HN&GĐ trong lịch sử; các khái niệm cơ bản như khái niệm hôn nhân, khái niệm gia đình, khái niệm luật HN&GĐ, quan hệ pháp luật HN&GĐ; nhiệm vụ và các nguyên tắc cơ bản của luật HN&GĐ Việt Nam.
    Phần các chế định pháp lý cụ thể nghiên cứu những quy định của pháp luật hiện hành về kết hôn và hủy kết hôn trái pháp luật; Quan hệ vợ chồng; Quan hệ cha mẹ và con; Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa các thành viên trong gia đình; Chấm dứt hôn nhân; Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.
  • Học phần này nhằm cung cấp cho SV những kiến thức cơ bản để xác định hành vi nào là hành vi vi phạm pháp luật, hành vi nào trái pháp luật nhưng không vi phạm pháp luật. Đồng thời giúp sinh viên có những nhận thức cơ bản về những ngành luật như Luật Hình sự, Luật dân sự, Luật An toàn giao thông đường bộ, Luật sở hữu trí tuệ, Luật Hôn nhân & gia đình, từ đó nâng cao ý thức pháp luật, văn hóa ứng xử trong giải quyết tranh chấp cũng như trong đời sống hàng ngày.
  • Môn học Lý luận nhà nước và pháp luật là một môn học bắt buộc chung trong chương trình đào tạo cử nhân ngành Luật. Lý luận nhà nước và pháp luật là khoa học pháp lý cơ bản có tính chất phương pháp luận nhằm trang bị hệ thống kiến thức cơ bản về nhà nước, pháp luật để có thể tiếp cận với các môn khoa học khác cũng như tiếp cận các vấn đề, hiện tượng pháp lý – xã hội nói chung.
    Về tổng thể, nội dung môn học được chia thành 3 phần chính sau đây:
    - Phần Nhập môn với các nội dung chủ yếu về vị trí vai trò, đối tượng, phương pháp luận của Lý luận Nhà nước và pháp luật trong hệ thống các khoa học xã hội và pháp lý. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu, phương hướng phát triển của ngành khoa học;
    - Phần Lý luận Nhà nước: phân tích các khái niệm cơ bản bản về nhà nước, các quan điểm khác nhau về nguồn gốc, bản chất nhà nước, vai trò, chức năng bộ máy nhà nước, các mối liên hệ của nhà nước, các kiểu và hình thức Nhà nước vv. Nội dung môn học có chủ đề Nhà nước pháp quyền và hệ thống chính trị. Lý luận nhà nước bao gồm những vấn đề lý luận cơ bản về nhà nước nói chung và những vấn đề lý luận cơ bản về nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
    - Lý luận Pháp luật gồm các vấn đề cơ bản sau đây: sự hình thành, phát triển của pháp luật, các trường phái pháp luật; các khái niệm cơ bản về pháp luật, vai trò, giá trị, các mối liên hệ của pháp luật, hình thức, nguồn pháp luật; kiểu lịch sử của pháp luật, quy phạm và quan hệ pháp luật, ý thức pháp luật; pháp chế; thực hiện và áp dụng luật; hệ thống pháp luật; xây dựng pháp luật; cơ chế điều chỉnh pháp luật, tổng quan về các hệ thống pháp luật cơ bản trên thế giới.